Trầm cảm sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

Trầm cảm sau sinh là thuật ngữ dùng để mô tả hàng loạt những thay đổi về thực thể và cảm xúc mà nhiều bà mẹ vừa sinh con trải qua, là bệnh liên quan tới những thay đổi hóa học, xã hội và tâm lý liên quan tới việc sinh con. Tin tốt là trầm cảm sau khi sinh có thể điều trị được.

Đây là một tình trạng phổ biến, có khoảng 15% phụ nữ mới làm mẹ gặp phải triệu chứng này. Điều quan trọng nhất là tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn càng sớm càng tốt nếu bạn nghĩ mình có thể mắc bệnh trầm cảm. Vì triệu chứng bệnh có thể chuyển biến tệ hơn khi kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn, con bạn và cả gia đình bạn.

>>> Thông tin về trầm cảm bạn nên biết

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh (PPD) là một phức hợp những thay đổi về thể chất, cảm xúc và hành vi xảy ra ở người phụ nữ sau sinh con. Theo DSM-5, trầm cảm sau sinh là một dạng trầm cảm nặng khởi phát trong vòng 4 tuần đầu sau khi sinh. Chẩn đoán trầm cảm sau sinh dựa trên độ dài thời gian kể từ khi sinh đến khi khởi phát bệnh và mức độ trầm cảm.

Phân biệt trầm cảm sau sinh (PPD) với buồn chán sau sinh (Baby blues)

Có 3 dạng thay đổi tâm trạng sau khi sinh bao gồm:

Buồn chán sau khi sinh (Baby blues) là một thuật ngữ dùng để diễn tả cảm giác lo lắng, không vui, và mệt mỏi mà nhiều người phụ nữ cảm nhận sau khi có con. Hội chứng này xảy ra ở hầu hết phụ nữ trong những ngày sau sinh. Bởi chăm sóc trẻ sơ sinh yêu cầu rất nhiều sức lực và tinh thần, cho nên nhiều người mẹ cảm thấy lo lắng và mệt mỏi phải chăm con là điều bình thường. Buồn chán sau sinh thường bao gồm các cảm xúc ở trên nhưng ở mức độ nhẹ, có thể chỉ kéo dài vài giờ hoặc 1-2 tuần sau khi sinh và không cần phải điều trị bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Thông thường chỉ cần chia sẻ với các bà mẹ khác hoặc tham gia một nhóm hỗ trợ các bà mẹ mới sinh là sẽ giải quyết được tình trạng này.

Với rối loạn trầm cảm sau sinh (PPD) cảm giác buồn bã và lo âu có thể trở nên quá mức, kéo dài hơn 2 tuần và gây trở ngại tới khả năng tự chăm sóc bản thân và gia đình của người phụ nữ. Lúc này bà mẹ cần được sự tư vấn của bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu, bởi nếu không được điều trị các triệu chứng có thể nặng hơn. Các triệu chứng trầm cảm sau sinh có thể xảy ra sau vài ngày thậm chí vài tháng sau sinh nhưng thường phổ biến từ tuần đầu tiên cho đến tháng đầu tiên sau khi sinh. PPD mặc dù là một dạng rối loạn tâm thần nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể điều trị được bằng thuốc và tư vấn trị liệu.

Rối loạn tâm thần sau sinh: Đây là dạng bệnh tâm lý nghiêm trọng nhất sau khi sinh con. Nó ảnh hưởng khoảng 1 trong 1000 phụ nữ. Bệnh này xảy ra rất nhanh, bắt đầu chỉ trong vài ngày vài tuần từ lúc sinh con. Người mẹ có thể bị mất liên lạc với thực tế, bao gồm:

  • Ảo giác thính giác: Nghe thấy những điều không thực sự xảy ra, giống như có người nói chuyện
  • Ảo giác nhìn: Nhìn thấy thứ không có thật, dấu hiệu này ít gặp hơn.
  • Các triệu chứng khác như mất ngủ, cảm thấy bị kích động và giận dữ, bồn chồn và có những hành vi cảm giác lạ.

=> Bệnh cần điều trị khẩn cấp bởi người mẹ có nguy cơ làm tổn thương tới mình hoặc người khác.

Nguyên nhân trầm cảm sau sinh

Không có một nguyên nhân duy nhất nào gây ra rối loạn trầm cảm sau sinh mà nó là tổng hợp từ các yếu tố thể chất và tâm lý. Rối loạn trầm cảm sau khi sinh không xảy ra vì người mẹ làm hay không làm điều gì đó. Các vấn đề thể chất và cảm xúc có thể góp phần gây bệnh như:

Thay đổi về cơ thể: Khi mang thai nồng độ estrogen và progesterone tăng gấp 10 lần. Sau đó chúng giảm mạnh sau sinh chỉ mất 3 ngày để quay về mức trước khi mang thai. Điều này dẫn đến sự thay đổi hóa học trong não bộ người mẹ và có thể kích thích cảm xúc dao động lớn. Hormone tuyến giáp cũng có thể giảm mạnh làm bà mẹ cảm thấy mệt mỏi, uể oải và chán nản.

Vấn đề cảm xúc: Chăm sóc con làm nhiều bà mẹ thường không nghỉ ngơi đủ để hồi phục lại sức khỏe sau sinh. Thiếu ngủ thường xuyên, mệt mỏi, lo âu khiến cơ thể kiệt quệ và có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Người mẹ có thể cảm thấy bản thân kém hấp dẫn, giảm giá trị hay cảm thấy mất quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Bất kỳ vấn đề tương tự có thể góp phần vào trầm cảm sau sinh.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh

Một số phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc trầm cảm sau khi sinh hơn những người khác vì họ có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như:

  • Triệu chứng của trầm cảm trong khi hoặc sau khi mang thai lần trước
  • Có bệnh sử trầm cảm hoặc triệu chứng của trầm cảm trong khi hoặc sau khi mang thai lần trước
  • Đã từng trải nghiệm rối loạn lưỡng cực
  • Có thành viên trong gia đình đã bị trầm cảm hoặc các bệnh tâm lý khác
  • Trải qua một sự kiện nghiêm trọng trong khi mang thai hoặc ngay sau khi sinh, chẳng hạn như biến chứng khi mang thai, bệnh tật, mất việc, người thân qua đời, bạo lực gia đình.
  • Tai biến y khoa (medical complication) trong khi sinh, như là sinh non hoặc con sinh ra có vấn đề về sức khoẻ
  • Gặp khó khăn khi cho con bú, chăm sóc con, tài chính không đảm bảo
  • Thiếu sự hỗ trợ nhiệt tình về mặt tình cảm từ chồng, gia đình hay bạn bè
  • Mang thai ngoài ý muốn hoặc không được mong đợi
  • Có vấn đề lạm dụng rượu hoặc các chất khác

Kể cả khi người mẹ không có những yếu tố nguy cơ trên, sinh con là một sự kiện mang tính trọng đại thay đổi cả cuộc đời bố mẹ và đôi khi có thể dẫn đến trầm cảm. Cần có thời gian để thích ứng với việc bạn đã trở thành cha mẹ. Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể rất căng thẳng, vắt kiệt tinh thần và thể xác của bạn. Trầm cảm sau khi sinh có thể ảnh hưởng bất cứ người phụ nữ nào không kể đến tuổi tác, chủng tộc, hay điều kiện kinh tế.

Điều trị trầm cảm sau sinh

Chẩn đoán trầm cảm sau sinh

Bác sĩ sẽ giúp bạn phân biệt tình trạng của mình trầm cảm sau sinh hay là buồn bã ngắn hạn bằng cách nói chuyện về những cảm xúc, suy nghĩ và sức khỏe tâm thần. Đừng xấu hổ hãy chia sẻ các triệu chứng của bạn để bác sĩ có thể lên một kế hoạch chữa trị trầm cảm sau sinh tốt nhất.

Một số kỹ thuật y tế để chẩn đoán trầm cảm sau sinh bao gồm:

  • Yêu cầu bạn trả lời bộ câu hỏi sàng lọc về trầm cảm
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra sự hoạt động của tuyến giáp
  • Các xét nghiệm khác để loại trừ các nguyên nhân khác

Những phương pháp dùng để điều trị trầm cảm sau sinh

Tự giúp đỡ bản thân (Self-help)

  • Đừng hoảng sợ về việc chẩn đoán trầm cảm sau sinh. Nhiều phụ nữ cũng mắc trầm cảm sau khi sinh và khi được điều trị hõ đã cảm thấy khá hơn theo thời gian. Chồng, bạn bè hay gia đình có thể trở nên có ích và thấu hiểu hơn nếu họ biết vấn đề là gì.
  • Kể cho ai đó những cảm nhận của bạn. Điều này giúp bạn nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Đó có thể là chồng, người thân hay bạn bè. Nếu bạn cảm thấy không thể nói chuyện với người quen, hãy nói chuyện với bác sỹ. Họ biết những cảm xúc này là phổ biến và sẽ đưa ra lời khuyên giúp đỡ.
  • Tận dụng thời gian và tự tạo cho mình cơ hội để ngủ hoặc nghỉ ngơi trong ngày và vào ban đêm. Nếu bạn có ai đó có thể đỡ đần như chồng, người thân hay bạn bè, thỉnh thoảng có thể nhờ họ cho con ăn vào buổi đêm. Bạn có thể chuẩn bị sữa trước để nhờ người cho con ăn. Nếu như nuôi con một mình, nên tranh thủ nghỉ ngơi khi con ngủ.
  • Cố gắng ăn thường xuyên dù bạn cảm thấy không món ăn. Hãy có chế độ ăn khoa học và ăn những thức ăn có lợi cho sức khỏe.
  • Dành một khoảng thời gian để làm những việc bạn yêu thích hoặc có thể giúp bạn thư giãn như nghe nhạc, vẽ, đi dạo, đọc tạp chí.
  • Nếu như bạn có chồng ở bên cạnh, cố gắng dành khoảng thời gian bên nhau và làm điều gì đó mà cả hai thấy thoải mái. Nếu như bạn là bà mẹ đơn thân, bạn có thể cùng bạn bè hoặc thành viên gia đình làm điều gì đó vui vẻ.
  • Tham gia nhóm hỗ trợ cho những người mới làm mẹ hoặc mẹ mới sinh. Bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ, kinh nghiệm và lời khuyên hữu ích từ cộng đồng làm mẹ. Có thể bạn sẽ tìm được những người khác có tâm trạng giống mình.
  • Hãy để người khác giúp bạn chăm sóc con, công việc nhà.
  • Chịu khó vận động. Bạn có thể đi dạo cùng con trong xe đẩy là một cách cải thiện tâm trạng tốt.
  • Tham khảo lời khuyên từ sách, trang mạng self-help
  • Liên hệ với các tổ chức hỗ trợ phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh.
  • Đừng đổ lỗi cho bản thân, cho chồng, người thân, bạn bè hay bất cứ ai khác. Cuộc sống có những lúc thật khó khăn, mệt mỏi và cáu giận có thể dẫn đến cãi vã. Chỉ trích có thể khiến các mối quan hệ tệ đi trong khi lúc này đang cần gắn bó, hợp tác. Đừng vội đóng sập cửa trước những người đang cố gắng giúp đỡ bạn.
  • Không uống rượu hay sử dụng chất kích thích. Nhiều người giải thích rằng bản thân thấy khá hơn khi dùng chúng. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó chúng khiến cơn trầm cảm sau sinh trầm trọng hơn. Tệ hơn nó còn đánh gục cơ thể bạn bằng cách tước đoạt sức khỏe của bạn.

Điều trị tâm lý

Được bộc lộ cảm xúc, chia sẻ cảm nhận có thể có ích, dù bạn buồn bã hay lo âu đến mức nào. Đôi khi, thật khó để kể về điều mình muốn nói với một người thân thiết. Lúc này bạn hãy lên một cuộc hẹn nói chuyện với một nhà tham vấn tâm lý hoặc nhà trị liệu đã được đào tạo. Việc này không chỉ để giải phóng cảm xúc mà còn giúp bạn hiểu và nhìn nhận rõ các khó khăn của mình hơn.

Có những liệu pháp điều trị tâm lý cho người trầm cảm chuyên sâu hơn. Liệu pháp nhận thức hành vi – CBT (Cognitive behaviour therapy) có thể giúp bạn xác định thói quen suy nghĩ hoặc tình huống nào khiến bạn cảm thấy trầm cảm nặng hơn. Bạn có thể học cách thay đổi những cách nghĩ và hành động theo hướng tích cực hơn. Một số liệu pháp tâm lý khác có thể giúp bạn nhận ra các mối quan hệ khiến trầm cảm tệ đi và làm thế nào để cải thiện các mối quan hệ đó.

Điều trị bằng thuốc

Nếu như bạn đang bị trầm cảm nghiêm trọng, hoặc tình trạng không khá hơn sau khi nhận được hỗ trợ hoặc nói chuyện với nhà trị liệu, bạn có thể đi khám và sẽ được bác sĩ kê đơn với thuốc chống trầm cảm, sau khi cân nhắc những yếu tố sau:

Nếu như tình trạng trầm cảm của bạn nghiêm trọng, hoặc không khá hơn sau khi nhận được hỗ trợ hay nói chuyện với nhà trị liệu, bạn cần đi khám để được bác sĩ kê đơn với thuốc chống trồng cảm. Một số yếu tố cần cân nhắc trước khi điều trị trầm cảm sau sinh bằng thuốc:

  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh thời điểm hiện tại và trong quá khứ (nếu có)
  • Các phương pháp điều trị bạn đã tiếp nhận trước đây.
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Thông tin mới nhất về sự an toàn của thuốc đối với việc cho con bú
  • Lợi ích việc cho con bú
  • Các vấn đề sức khỏe của con
  • Tác động của việc bệnh không được chữa trị lên con

Một số loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng tương đương nhưng tác dụng phụ khác nhau sẽ có những loại an toàn hơn khi cho con bú. Chúng đều không gây nghiện.

Tuyệt đối không tự tiện sử dụng thuốc chống trầm cảm mà không tham khảo từ bác sĩ, và việc bác sĩ biết bạn đang cho con bú là rất quan trọng.

Sự nguy hiểm nhất của trầm cảm sau sinh là gia đình và bản thân người mẹ không thể phân biệt được đâu là mệt mỏi áp lực do chăm con và đâu là những căng thẳng lo âu do Bệnh trầm cảm sau sinh gây ra. Điều này phần đa là do không đủ kiến thức về căn bệnh sau sinh nguy hiểm bậc nhất này. Hậu quả chính là những điều đáng tiếc mà chúng ta đã nghe đọc rất nhiều trên báo đài. Do đó, dù là chính bản thân người mẹ, người chồng hay người thân gia đình nên nắm vững những thông tin cơ bản cần thiết về bệnh trầm cảm sau sinh để có cái nhìn đúng, nhận biết sớm nguy cơ và thấu hiểu được những vấn đề do trầm cảm sau sinh gây ra đồng thời biết mình nên làm gì khi mây đen trầm cảm kéo tới gia đình.

Xem tham khảo: Trầm cảm sau sinh kéo dài trong bao lâu?

Viết bình luận

Đặt hàng ngay

1
Xin chào! Vững Trí có thể giúp gì cho bạn không?