Cách chữa trầm cảm sau sinh an toàn cho Mẹ và Con

Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến bà mẹ mà còn cả trẻ nhỏ, nhất là giai đoạn cho con bú. Mọi hoạt động ăn uống, ngủ và hành vi khi phát triển của bé đều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ chứng trầm cảm sau khi sinh của mẹ. Do đó, người mẹ cần được điều trị sớm và quá trình chữa bệnh cần phải được cân nhắc trên cả yếu tố lợi ích và nguy cơ của trẻ nhỏ.  Vậy có những cách chữa trầm cảm sau sinh nào, khi chữa trị bằng thuốc thì cần phải lưu ý điều gì để an toàn cho cả mẹ và đứa trẻ?

Cách chữa trầm cảm sau sinh an toàn cho Mẹ và Con 1

Hiểu thêm về chứng trầm cảm:Tổng quan về trầm cảm là gì?

Giới thiệu về bệnh trầm cảm sau sinh

Chứng trầm cảm sau sinh thường xảy ra do nhiều yếu tố kết hợp bao gồm cả thể chất và tinh thần. Về thay đổi cơ thể, sau khi sinh nồng độ hormone trong cơ thể người mẹ giảm xuống nhanh chóng dẫn đến thay đổi hóa học trong não bộ ảnh gây thay đổi tâm trạng liên tục. Về tinh thần, sinh con là một sự kiện trọng đại thay đổi hoàn toàn cuộc sống cha mẹ, người mẹ phải chịu nhiều áp lực như chăm sóc con, sức khỏe không ở trạng thái tốt, mệt mỏi, thiếu ngủ và không được nghỉ ngơi. Một số yếu tố khác cũng có thể tạo gánh nặng thể chất và tinh thần khiến mẹ kiệt sức.

Một số triệu chứng trầm cảm sau sinh phổ biến bao gồm:

  • Cảm thấy buồn, vô vọng, trống rỗng hoặc quá tải;
  • Khóc thường xuyên hơn bình thường hoặc không có lý do rõ ràng
  • Lo âu hoặc cảm thấy sợ hãi
  • Cảm thấy buồn bã, cáu kỉnh hoặc bồn chồn
  • Ngủ quá nhiều hoặc không thể ngủ được
  • Khó khăn khi tập trung, ghi nhớ chi tiết và đưa ra quyết định
  • Có những cơn giận dữ vô cớ hoặc mất kiểm soát
  • Không còn hứng thú kể cả với các sở thích trước đây của bản thân
  • Đau đớn về thể chất (đau nhức cơ thể, thường xuyên đau đầu, đau dạ dày và đau cơ)
  • Thay đổi khẩu vị ăn quá ít hoặc quá nhiều
  • Xa lánh hoặc lảng tránh chồng, người thân hoặc bạn bè
  • Khó khăn trong việc hình thành tình cảm gắn kết với con mình
  • Không tin tưởng mình có thể chăm sóc con
  • Có những suy nghĩ về việc làm hại bản thân hoặc cho con của mình…

=> Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Tổng hợp những cách chữa trầm cảm sau sinh hiện nay

Trầm cảm sau sinh cần được chữa trị càng sớm càng tốt tránh kéo dài khiến các triệu chứng chuyển biến tệ hơn gây hại đến tính mạng người mẹ và con trẻ. Về điều trị trầm cảm sau sinh thì hiện nay có khá nhiều phương pháp, các chuyên gia sức khỏe sẽ dựa trên kết quả chẩn đoán của bạn để lên kế hoạch điều trị tốt nhất. Một số cách chữa trầm cảm sau sinh thường được áp dụng, bao gồm:

Cách chữa trầm cảm sau sinh bằng tham vấn tâm lý

Phương pháp trị liệu này được tiến hành thông qua các cuộc trò chuyện riêng với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Trị liệu tâm lý có nhiều dạng tư vấn, trong đó có 2 loại cho thấy hiệu quả đặc biệt trong điều trị trầm cảm sau sinh là: liệu pháp nhận thức hành vi (giúp người bệnh tập trung thay đổi cách nghĩ và hành động theo hướng tích cực hơn) và liệu pháp tiếp xúc cá nhân (giúp người bệnh học cách đối phó với nỗi buồn và học cách tương tác và kết nối với mọi người xung quanh).

Ngoài ra, phương pháp điều trị tâm lý chữa bệnh trầm cảm sau sinh có thể kết hợp cùng các liệu pháp vật lý trị liệu như tập thể dục hàng ngày, thư giãn, làm điều mình thích, tiếp xúc và mở lòng với những người quan tâm bạn… góp phần cải thiện tốt các triệu chứng trầm cảm.

Cách chữa trầm cảm sau sinh bằng thuốc

Cơ chế hoạt động của các thuốc chống trầm cảm là tác động lên các chất hóa học trong não bộ liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng. Một số thuốc chống suy nhược cũng được cân nhắc sử dụng. Thuốc thường mất vài tuần để đạt hiệu quả cao nhất. Mặc dù những thuốc này được xem là an toàn nhưng người bệnh vẫn cần trao đổi với nhân viên y tế về lợi íchnguy cơ cho cả bản thân người mẹ và đứa trẻ.

Một kế hoạch điều trị trầm cảm sau sinh thường kết hợp nhiều cách chữa trầm cảm khác nhau để đạt hiệu quả cao như các liệu pháp điều trị tư vấn cùng thuốc chống trầm cảm. Sau 1-3 tuần sử dụng người bệnh có thể cảm thấy tốt hơn, tuy nhiên có thể mất 6-8 tuần các triệu chứng mới có thể được cải thiện phần lớn. Nếu sau 3 tuần dùng thuốc người mẹ có thắc mắc hoặc lo lắng hay không thấy bất kỳ sự cải thiện nào hãy trao đổi lại với bác sĩ.

Thời gian sử dụng thuốc chống trầm cảm ít nhất là 6 tháng, thậm chí kéo dài 1 năm. Mục đích đầu tiên là để điều trị chứng trầm cảm sau sinh và sau đó để ngăn ngừa tái phát triệu chứng. Tùy mức độ trầm cảm mà thời gian điều trị có thể dài ngắn khác nhau.

Ưu tiên áp dụng các biện pháp không dùng thuốc trước khi phải dùng thuốc. Chữa trầm cảm sau sinh rất quan trọng đối với em bé. Nhưng mặt khác cho con bú sữa mẹ lại rất tốt cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của bé và nuôi dưỡng kết nối giữa mẹ và con. Vậy nên nếu có thể được thì hãy áp dụng cách chữa trầm cảm sau sinh không dùng thuốc để vừa điều trị trầm cảm và vẫn nuôi con bằng sữa mẹ. Trường hợp buộc phải sử dụng thuốc người mẹ nên thảo luận với bác sĩ việc ngưng cho con bú.

Các loại thuốc dùng trong điều trị trầm cảm sau sinh bao gồm:

  • Nhóm MAOI: tuyệt đối không sử dụng cho trầm cảm sau sinh.
  • Nhóm 3 vòng (tricyclics) được khuyến cáo không sử dụng cho phụ nữ bị trầm cảm sau sinh vì khởi phát chậm và nguy cơ tự sát bằng chính thuốc chống trầm cảm cao (do độc tính của nhóm 3 vòng khá cao)
  • Nhóm SSRI (ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonine) Sử dụng các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) phần lớn được cho là an toàn khi cho con bú. Bởi vì SSRIs đi vào sữa mẹ ở nồng độ rất thấp. Thuốc khởi phát nhanh và độc tính thấp. Trong nhóm này Fluoxetine được khuyến cáo không nên sử dụng vì có thể gia tăng triệu chứng bồn chồn vốn thường gặp ở người bệnh trầm cảm sau sinh và thời gian bán hủy (T1/2 khá dài)
  • Trường hợp bà mẹ bị mất ngủ nhiều và có người thay mẹ để chăm sóc con thì Mirtazapine có thể là sự lựa chọn tốt vì khởi phát khá nhanh (so với SSRI)
  • Nếu bà mẹ có triệu chứng lọan thần thì cần điều trị loạn thần trước. Có thể cho thêm Benzodiazepine trong trường hợp người bệnh bị bồn chồn và lo âu.

Lưu ý: Do sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ tự sát trong vòng 2 tuần đầu nên đối với những bà mẹ có suy nghĩ tự sát thì cần được giám sát và theo dõi khi bắt đầu dùng thuốc trong ít nhất 2 tuần.

Cách chữa trầm cảm sau sinh bằng thuốc được quyết định sau khi cân nhắc giữa lợi ích (trẻ không được bú mẹ do mẹ dùng thuốc) và nguy cơ (trẻ bị ngược đãi). Nếu trầm cảm ở mức độ nhẹ có thể chỉ cần tư vấn tâm lý (không chỉ với người mẹ mà còn cả chồng, người thân gia đình nếu có sống chung). Trường hợp trầm cảm nặng có ý định tự sát nhi hay tự sát thì cần can thiệp khẩn cấp, sự an toàn của mẹ và bé là điều trọng nhất cần quan tâm hơn là việc bé không được bú sữa mẹ. Khi sử dụng thuốc chống trầm cảm bạn nên trao đổi với bác sĩ tư vấn để đảm bảo mình hiểu rõ lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc. Cần điều trị đủ thời gian để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngưng thuốc mà các triệu chứng tái phát, nên đến bác sĩ tư vấn điều trị dứt điểm.

Phải làm gì để phòng ngừa trầm cảm sau sinh

  • Tầm soát (khám sức khỏe định kỳ) các trường hợp có nguy cơ trầm cảm sau sinh cao như trầm cảm trong thời kỳ mang thai, các trường hợp có tiền sử liên quan đến trầm cảm trước đó.
  • Nắm vững kiến thức sức khỏe và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ trước và sau khi sinh (không chỉ người mẹ mà cả chồng và người thân trong gia đình)
  • Tỷ lệ trầm cảm sau sinh chiếm phần lớn ở những người sinh con đầu lòng nên tập quá của người Việt Nam “con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng” là rất tốt sẽ giúp bà mẹ không rơi vào cảm giác hụt hẫng và cô đơn

Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ khiến người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân và chăm sóc gia đình mà còn tác động xấu đến các vấn đề sức khỏe của con như ngủ, ăn uống và hành vi khi bé phát triển.  Điều quan trọng là khi người mẹ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia sức khỏe. Bản thân người mẹ cần tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, sẽ sớm phục hồi. Nên có chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều trái cây và rau quả. Tạo cơ hội nghỉ ngơi cho người bệnh bằng cách nhờ người khác giúp đỡ chăm sóc con, vắt sữa vào bình rồi nhờ cho con ăn hộ. Sự giúp đỡ của người thân sẽ làm cho bệnh phục hồi nhanh, vì bà mẹ mắc trầm cảm sau sinh luôn mệt mỏi nếu được đỡ đần và không bị quấy rầy nhiều họ sẽ cảm thấy tốt hơn.

Viết bình luận

Đặt hàng ngay

1
Xin chào! Vững Trí có thể giúp gì cho bạn không?