Nguyên nhân trầm cảm phức tạp hơn những gì chúng ta tưởng

Hội chứng trầm cảm có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, bất cứ giới tính nào. Nó không chừa một ai. Nhưng nguyên nhân trầm cảm không phải lúc nào cũng được biết đến một cách rõ ràng, nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng có nhiều nguyên nhân trầm cảm và không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được nó.

Nguyên nhân trầm cảm không chỉ là sự mất cân bằng hóa học của não

Trầm cảm hay rối loạn trầm cảm là một căn bệnh phổ biến và nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của con người, cách chúng ta suy nghĩ và hành động. Trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã, và/hoặc mất hứng thú với các hoạt động bạn đã từng yêu thích. Nó có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về tình cảm và thể chất, đồng thời có thể làm giảm khả năng cá nhân của một người tại nơi làm việc hay ở nhà. Người ta ước tính được rằng có 10-15% dân số sẽ bị trầm cảm lâm sàng trong cuộc đời của họ. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính 5% nam giới và 9% nữ giới bị rối loạn trầm cảm trong bất kì năm nào.

Chúng ta thường nghe nói rằng nguyên nhân trầm cảm là do sự mất cân bằng hóa học trong não, nhưng sự khởi phát của căn bệnh này phức tạp hơn nhiều câu nói ấy. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trầm cảm không phát sinh đơn giản như có quá nhiều hoặc quá ít chất hóa học não. Thay vào đó, nó bao gồm cả những vấn đề liên quan tới sự điều chỉnh tâm trạng trong não bộ bị lỗi, tính dễ tổn thương di truyền, cuộc sống với các sự kiện căn thẳng, thuốc men hay các vấn đề y tế.

Dưới đây là tổng quan về các yếu tố chính được cho là đóng một vai trò trong bệnh trầm cảm.

Nguyên nhân trầm cảm không chỉ là sự mất cân bằng hóa học của não 1

Nguyên nhân trầm cảm là gì?

Sự phát triển và kết nối của tế bào thần kinh bị chậm

Các nhà văn, nhà thơ dường như luôn nói với chúng ta rằng cảm xúc nằm ở trái tim. Thực tế, não mới là nơi điều khiển cảm xúc của con người. Ngày nay, nhờ sự phát triển của y học và khoa học công nghệ, các hình ảnh về não ngày càng tinh vi hơn và cụ thể hơn, điều này cho phép nghiên cứu kỹ hơn cách não làm việc và cung cấp một sự hiểu biết tốt hơn về những vùng não điều chỉnh tâm trạng của con người, cũng như những vùng khác (chẳng hạn như trí nhớ – vùng có thể bị ảnh hưởng bởi trầm cảm).

Các khu vực đóng vai trò quan trọng trong trầm cảm là amygdala (hạch hạnh nhân), thalamus (vùng đồi thị), và hippocampus (vùng hồi hải mã).

Người ta nhận thấy rằng hippocampus nhỏ hơn ở một số người bị trầm cảm. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí The Neuroscience (tạp chí chính thức của Tổ chức Nghiên cứu Não Quốc tế (IBRO)), các nhà khoa học đã nghiên cứu 24 phụ nữ có tiền sử trầm cảm. Trung bình, vùng hồi hải mã ở những phụ nữ này nhỏ hơn 9-13% so với những phụ nữ không bị trầm cảm. Bị trầm cảm càng lâu, hippocampus càng nhỏ, các tế bào thần kinh ở vùng này cũng bị suy giảm theo thời gian kéo dài của bệnh.

Các chuyên gia cũng đang nghiên cứu mối liên hệ giữa việc sản xuất chậm các tế bào thần kinh mới trong vùng hippocampus với trầm cảm. Từ lâu họ đã tự hỏi nếu trầm cảm chủ yếu là kết quả của mức độ thấp chất dẫn truyền thần kinh thì tại sao bệnh nhân không cảm thấy tốt hơn ngay sau khi uống thuốc chống trầm cảm (bởi những loại thuốc này ngay lập tức làm tăng nồng độ của chất dẫn truyền thần kinh trong não). Bệnh nhân thường chỉ cảm thấy tốt hơn trong vài tuần hoặc lâu hơn.

Câu trả lời có thể là tâm trạng chỉ được cải thiện khi dây thần kinh phát triển và hình thành các kết nối mới, một quá trình mất tới hàng tuần. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc chống trầm cảm làm thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường phân nhánh của các tế bào thần kinh.

Như vậy, chính sự phát triển và kết nối của tế bào thần kinh mới là nguyên nhân trầm cảm chính xác, chứ không đơn giản chỉ là sự mất cân bằng serotonin trong não bộ như chúng ta vẫn tưởng..

Nắm được nguyên nhân này các chuyên gia tin rằng sẽ có một phương pháp mới mang lại hiệu quả nhanh hơn so với phương pháp điều trị hiện tại. Họ sẽ nghiên cứu và phát triển các loại thuốc có khả năng tạo ra các tế bào thần kinh mới, thúc đẩy quá trình neurogenesis (quá trình tạo mô thần kinh), tăng cường các kết nối tế bào thần kinh và cải thiện sự trao đổi thông tin giữa các mạch thần kinh.

Hình 1: Các vùng não bị ảnh hưởng bởi trầm cảm

Sự phát triển và kết nối của tế bào thần kinh bị chậm 1

Amygdala. Các amygdala là một phần của hệ thống limbic, một nhóm các cấu trúc nằm sâu trong não liên kết với cảm xúc như giận dữ, niềm vui, nỗi buồn, sợ hãi, và kích thích tình dục. Các amygdala được kích hoạt khi một người nhớ lại những ký ức cảm xúc, chẳng hạn như một tình huống đáng sợ. Hoạt động trong amygdala cao hơn khi một người buồn hoặc chán nản. Sự hoạt động cao này tiếp tục ngay cả sau khi phục hồi từ trầm cảm.

Thalamus. Vùng đồi thị có nhiệm vụ chuyển tín hiệu cảm giác và vận động đến phần vỏ não, hướng tới các chức năng cấp cao như lời nói, phản ứng hành vi, chuyển động, suy nghĩ và học tập; nó còn điều hòa ý thức, sự ngủ và sự cảnh giác. Một số nghiên cứu cho thấy rằng rối loạn lưỡng cực có thể là kết quả của các vấn đề ở vùng đồi thị.

Hippocampus. Vùng hippocampus là một phần của hệ thống limbic và có vai trò trung tâm trong việc xử lý trí nhớ và hồi ức dài hạn. Sự tương tác giữa hippocampus và amygdala có thể giải thích cho câu thành ngữ “một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng.” Vùng hippocampus nhỏ hơn ở một số người bị trầm cảm, và nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc liên tục với hormone căng thẳng làm suy yếu sự phát triển của các tế bào thần kinh trong phần này của não.

Suy giảm các chất dẫn truyền thần kinh

Chúng ta đã biết rằng các chất dẫn truyền thần kinh không phải là nguyên nhân gây trầm cảm duy nhất nhưng chúng ta cũng không phủ nhận tầm quan trọng của các chất này trong việc gây ra trầm cảm. Bởi nó có liên quan sâu sắc tới việc các tế bào thần kinh kết nối và giao tiếp với nhau. Nó cũng là một thành phần của chức năng não.

Chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter) là các chất hóa học nội sinh có vai trò dẫn truyền các tín hiệu từ một nơ-ron đến một tế bào đích. Các loại thuốc chống trầm cảm có xu hướng làm tăng nồng độ của các chất này.

Ở người bình thường, khi có một điện thế hoạt động được truyền đến xi-náp, các chất dẫn truyền thần kinh sẽ được giải phóng và khuếch tán qua khe xi-náp, kết nối với các tế bào thần kinh khác. Các tế bào não thường tạo ra mức độ dẫn truyền thần kinh giữ cho các giác quan, sự vận động và tâm trạng cân bằng với nhau. Nhưng ở một số người bị trầm cảm, các thụ thể trở nên quá nhạy cảm hoặc không đủ nhạy cảm với chất dẫn truyền thần kinh, điều này gây ra sự giải phóng quá cao hoặc quá thấp các chất hóa học. Khiến một thông điệp có thể bị suy yếu hoặc quá trình tái hấp thu quá cao trước khi các phân tử có cơ hội liên kết với các tế bào thần kinh khác. Bất kỳ lỗi hệ thống nào cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng.

Các loại chất dẫn truyền thần kinh được cho là có tác động tới trầm cảm

Các nhà khoa học đã xác định được nhiều chất dẫn truyền thần kinh khác nhau. Dưới đây là một mô tả của một số chất được cho là đóng một vai trò trong trầm cảm:

  • Acetylcholine tăng cường trí nhớ và tham gia vào việc học, nhớ lại. Serotonin giúp điều hòa giấc ngủ, sự thèm ăn, tâm trạng và ức chế cơn đau. Nhiều ý kiến ủng hộ ý tưởng một số người bị trầm cảm là do giảm sự truyền serotonin.
  • Norepinephrine hạn chế mạch máu, làm tăng huyết áp. Nó có thể gây ra lo âu và tham gia vào một số loại trầm cảm. Dopamine cũng ảnh hưởng đến động lực và đóng một vai trò trong cách một người cảm nhận thực tế. Các vấn đề trong dẫn truyền dopamine làm rối loạn tâm thần, một dạng suy nghĩ méo mó nghiêm trọng đặc trưng bởi ảo giác hoặc ảo tưởng.
  • Glutamate là một phân tử nhỏ được cho là hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh kích thích và đóng một vai trò trong rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt.
  • Axit gamma-aminobutyric (GABA) là một axit amin mà các nhà nghiên cứu tin rằng hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh ức chế. Nó được cho là giúp làm dịu đi sự lo âu.
Suy giảm các chất dẫn truyền thần kinh 1

Ở một số người bị trầm cảm, các thụ thể trở nên quá nhạy cảm hoặc không đủ nhạy cảm với chất dẫn truyền thần kinh, điều này gây ra sự giải phóng quá cao hoặc quá thấp các chất hóa học (Ảnh minh họa)

Di truyền học ảnh hưởng tới bệnh trầm cảm và tâm trạng

Mỗi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả bộ não của chúng ta, đều được kiểm soát bởi các gen. Gen tạo ra các protein liên quan đến quá trình sinh học. Trong suốt cuộc đời, các gen luôn được bật – tắt một cách thích hợp để tạo ra các protein vào đúng thời điểm. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp các gen bị rối loạn và làm thay đổi sinh học của cơ thể, khiến tâm trạng chúng ta trở nên không ổn định. Một người nếu dễ bị tổn thương về mặt di truyền, bất kì căng thẳng nào cũng có thể đẩy hệ thống này ra khỏi tình trạng cân bằng.

Mặt khác, trong một nỗ lực để làm sáng tỏ nguyên nhân trầm cảm, 200 nhà nghiên cứu đến từ Anh, Mỹ và Úc đã phát hiện ra tất cả chúng ta đều mang một số nguy cơ di truyền của bệnh trầm cảm.

Nghiên cứu đã được thực hiện trên 135.000 người bị trầm cảm và 344.000 người không bị bệnh này. Họ phát ra rằng, về mặt di truyền, tất cả mọi người đều nằm trong một “phổ” có khả năng bị trầm cảm. Sự tồn tại của 44 gen di truyền trầm cảm xác nhận rằng căn bệnh này thực sự có thể tấn công bất kì ai. Tùy thuộc xem bạn nằm ở đoạn này trong phổ nào và những gì xảy ra trong suốt cuộc đời bạn, bạn có thể hoặc không phát triển bệnh trầm cảm.

Có lẽ cách dễ nhất để nắm bắt sức mạnh của di truyền học là nhìn vào gia đình. Bằng chứng rõ nhất xuất phát từ việc nghiên cứu về rối loạn lưỡng cực (rối loạn lưỡng cực là một chứng bệnh loạn thần gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định, người bệnh có thể chuyển từ cảm xúc hưng phấn (hưng cảm) sang cảm xúc ức chế (trầm cảm)). Một nửa bệnh nhân mắc rối loạn lưỡng cực có một người họ hàng có biến động tâm trạng tương tự. Các nghiên cứu về cặp song sinh cùng trứng cũng cho thấy, nếu một người bị rối loạn lưỡng cực, người kia có 60% đến 80% nguy cơ phát triển bệnh.

Bằng chứng cho các loại trầm cảm khác ít hơn. Tuy nhiên, người ta cũng phát hiện ra rằng, một người có cha mẹ bị trầm cảm nặng thì có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn người bình thường khác là 1,5% đến 3%.

Di truyền học ảnh hưởng tới bệnh trầm cảm và tâm trạng 1

Gen được cho là đóng một vai trò trong việc gây nên bệnh trầm cảm (Ảnh minh họa)

Tính cách cũng là nguyên nhân gây trầm cảm?

Những nhà di truyền học nói rằng di truyền có thể cung cấp cho bạn một quan điểm về sự kiên cường khi bạn đối mặt với những sự kiện khó khăn. Cách trực quan nhất là nhìn vào tính khí của bạn, ví dụ bạn có dễ bị kích động hay có xu hướng rút lui khi tham gia vào các hoạt động xã hội không?

Các nhà tâm lý học nhận thức chỉ ra rằng: quan điểm của bạn về thế giới và đặc biệt là những suy nghĩ thầm kín của bạn có ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của bạn. Chẳng hạn bạn cảm thấy mình không xứng đáng với tình yêu, vì thế bạn trốn tránh và che giấu để không mất đi những mối quan hệ của mình. Hoặc bạn tự phê phán bản thân đến mức không thể chịu đựng được chỉ vì những chỉ trích nhỏ nhất từ người khác.

Những điều này có thể có một vai trò trong việc phát triển bệnh trầm cảm của chúng ta.

Những sự kiện căng thẳng, mất mát trong cuộc sống

Ai cũng sẽ gặp hoặc đã gặp những sự kiện căng thẳng, đau buồn, chẳng hạn như: cái chết của một người thân yêu, mất việc làm, bệnh tật, hoặc một mối quan hệ đang có chiều hướng xấu đi. Một số phải đối phó với cha mẹ mất sớm, bạo lực hoặc lạm dụng tình dục.

Không phải tất cả chúng ta đều sẽ mắc trầm cảm nếu trải qua những sự kiện này, nhưng căng thẳng đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra trầm cảm. Như phần trước đã giải thích, di truyền ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm của bạn khi đối mặt với các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống. Khi di truyền học, sinh học, và các tình huống căng thẳng đến với nhau, trầm cảm có thể xảy ra.

Căng thẳng cũng gây ra những hậu quả sinh lý của chính nó. Nó gây ra một chuỗi các phản ứng hóa học trong cơ thể. Nếu căng thẳng xảy ra trong thời gian ngắn, cơ thể sẽ sớm trở lại bình thường. Nhưng căng thẳng mãn tính làm thay đổi cơ thể và não bộ.

Những sự kiện căng thẳng, mất mát trong cuộc sống 1

Khi di truyền học, sinh học, và các tình huống căng thẳng đến với nhau, trầm cảm có thể xảy ra (Ảnh minh họa)

Cách mà căng thẳng ảnh hưởng tới cơ thể. Căng thẳng được định nghĩa là một phản ứng vật lý tự động với bất kì kích thích nào đòi hỏi bạn phải điều chỉnh để thay đổi. Khi gặp một mối đe doa, cơ thể nhận thức và sản sinh ra một loạt các hormone căng thẳng và tạo ra sự thay đổi sinh lý. Các phản ứng như tim đập nhanh, căng thẳng, thở gấp, mồ hôi xuất hiện được gọi là các đáp ứng suất. Đáp ứng ứng suất bắt đầu với một tín hiệu từ vùng dưới đồi. Vùng dưới đồi kết hợp với tuyến yên và tuyến thượng thận để hình thành một bộ ba được gọi là trục hypothalamic – tuyến yên – thượng thận (HPA), trục này điều chỉnh rất nhiều hoạt động nội tiết tố trong cơ thể và có thể đóng vai trò trong trầm cảm.

Khi một mối đe dọa về thể chất hoặc tình cảm hiện ra, vùng dưới đồi sẽ tiết ra hormon giải phóng corticotropin (CRH). CRH đi tới tuyến yên, kích thích sự bài tiết của hormon adrenocorticotropic (ACTH). Khi ACTH tới tuyến thượng thận, nó kích thích giải phóng cortisol. Việc tăng cortisol sẽ giúp bạn quyết định xem bạn chiến đấu hay chạy trốn. CRH cũng ảnh hưởng đến vỏ não, một phần của amygdala và não. Làm việc cùng một loạt các con đường dẫn truyền thần kinh, CRH ảnh hưởng đến nồng độ chất dẫn truyền thần kinh trong não. Do đó, các nhiễu loạn trong hệ thống này cũng có thể ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh và ngược lại.

Thông thường, khi mối nguy hiểm đi qua, một vòng phản hồi sẽ cho phép cơ thể tắt chế độ “phòng thủ hay chiến đấu”. Tuy nhiên trong một số trường hợp, cortisol lại tăng không đúng mức và thường xuyên ở mức cao. Điều này góp phần và các vấn đề như cao huyết áp, ức chế miễn dịch và trầm cảm.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị trầm cảm có mức CRH cao. Thuốc chống trầm cảm và liệu pháp electroconvulsive (liệu pháp sốc điện) đều được biết là có tác dụng làm giảm mức CRH. Khi mức CRH trở lại bình thường, các triệu chứng trầm cảm sẽ giảm đi. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng chấn thương trong thời thơ ấu có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động của CRH và trục HPA suốt cuộc đời.

Những sự kiện căng thẳng, mất mát trong cuộc sống 2

Ảnh minh họa trục hypothalamic – tuyến yên – thượng thận (HPA, tức Hypothalamic – Pituitary – Adrenal)

Tổn thương sớm và chấn thương tâm lý

Một số sự kiện trong cuộc sống có thể để lại hậu quả lâu dài về thể chất cũng như tình cảm của một người. Người ta phát hiện ra rằng những tổn thất sớm và chấn thương tâm lý có thể khiến chúng ta dễ bị trầm cảm hơn sau này.

  • Mất thời thơ ấu. Những tổn thất sớm và sâu sắc, như cái chết của cha mẹ, sự rút lui tình cảm của một người thân yêu có thể để lại nỗi đau trong suốt cuộc đời một người, cuối cùng là dẫn tới trầm cảm.  Trong nhiều nghiên cứu, người ta phát hiện ra rằng hệ thống CRH và trục HPA bị kẹt ở những người bị tách khỏi mẹ quá sớm.
  • Chấn thương tâm lý. Chấn thương tâm lý là một loại tổn thương của tâm trí, xảy ra như là kết quả của một sự kiện đau khổ nghiêm trọng. Một nghiên cứu nhỏ trong Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy những phụ nữ bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục khi còn nhỏ có phản ứng căng thẳng nghiêm trọng hơn những phụ nữ không bị lạm dụng. Những phụ nữ này có mức độ ACTH và cortisol cao hơn.

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng chấn thương tâm lý gây ra những thay đổi trong chức năng não và gây ra các triệu chứng trầm cảm, lo lắng. Những thay đổi có thể bao gồm biến động về nồng độ chất dẫn truyền thần kinh hoặc tổn thương tế bào thần kinh. Tuy nhiên, vẫn cần điều tra thêm để làm rõ mối quan hệ giữa não, chấn thương tâm lý và trầm cảm.

Rối loạn trầm cảm theo mùa

Nhiều người cảm thấy buồn khi mùa hè đã hết. Đây thực sự là một vấn đề được gọi là rối loạn trầm cảm theo mùa (seasonal affective disorder – SAD), dạng trầm cảm này ảnh hưởng tới khoảng 1-2% dân số, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên. Các triệu chứng của SAD cũng tương tự như trầm cảm nói chung.

Các chuyên gia không hoàn toàn hiểu được nguyên nhân của SAD, nhưng một giả thuyết được công nhận là hormone melatonin đóng một vai trò trong rối loạn này. Bộ não tiết ra melatonin vào ban đêm, do đó khoảng thời gian “ngày ngắn đêm dài” trong những tháng mùa đông có thể thúc đẩy sản xuất lượng hormone này nhiều hơn.

Những nghiên cứu sâu hơn đã phát hiện ra một yếu tố tiềm ẩn khác trong rối loạn trầm cảm theo mùa, đó là đồng hồ sinh học trong cơ thể bị rối loạn. Đồng hồ sinh học là hệ thống trong cơ thể động vật sống, có nhiệm vụ chính là kiểm soát các hoạt động thường nhật và các chu kì của hoạt động thường ngày. Đồng hồ sinh học phần lớn là tự điều chỉnh nhưng nó cũng phản ứng với một số tín hiệu để giữ cho việc hoạt động đúng, các tín hiệu này bao gồm cả ánh sáng và sản xuất melatonin.

Để chống lại SAD, các bác sĩ đề nghị tập thể dục, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời vào ban ngày. Phơi sáng bản thân bằng ánh sáng nhân tạo tươi sáng cũng có thể hữu ích. Liệu pháp ánh sáng cũng là một phương pháp điều trị thường được áp dụng cho loại trầm cảm này.

Rối loạn trầm cảm theo mùa 1

Đồng hồ sinh học trong cơ thể (Ảnh minh họa)

Những vấn đề y tế và bệnh trầm cảm

Một số vấn đề y tế có liên quan đến sự rối loạn tâm trạng lâu dài và đáng kể.

Trong số các thủ phạm, nổi tiếng nhất là hai sự mất cân bằng nội tiết tố tuyến giáp. Sự dư thừa hormone tuyến giáp (cường giáp) có thể gây ra các triệu chứng hưng cảm. Mặt khác, suy giáp, một tình trạng mà cơ thể sản xuất quá ít hormon tuyến giáp, thường dẫn đến kiệt sức và trầm cảm.

Bệnh tim cũng liên quan đến trầm cảm, một nửa bệnh nhân sống sót sau cơn đau tim bị trầm cảm trầm trọng. Ngược lại, trầm cảm cũng có thể gây ra rắc rối cho bệnh nhân bệnh tim: nó làm cho sự phục hồi diễn ra chậm hơn, gây rối loạn tim mạch trong tương lai và nguy cơ tử vong cao hơn.

Ngoài ra, các tình trạng bệnh lý sau đây cũng liên quan đến rối loạn tâm trạng:

  • Thần kinh thoái hóa, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer và bệnh Huntington
  • Một số thiếu hụt dinh dưỡng, chẳng hạn như thiếu vitamin B12
  • Rối loạn nội tiết khác, chẳng hạn như các vấn đề với tuyến cận giáp hoặc tuyến thượng thận
  • Một số bệnh hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như lupus
  • Một số loại virus và các bệnh nhiễm trùng khác, chẳng hạn như mononucleosis, viêm gan hay HIV
  • Ung thư
  • Rối loạn chức năng cương dương ở nam giới.

Khi xem xét kết nối giữa các vấn đề sức khỏe và trầm cảm, một câu hỏi quan trọng cần giải quyết là vấn đề nào đến trước, tình trạng y tế hoặc tâm trạng thay đổi. Trong một số trường hợp, trầm cảm có trước bệnh tật và thậm chí đóng góp cho bệnh tật phát triển. Nếu trầm cảm bắt nguồn từ một vấn đề y tế cơ bản, những thay đổi về tâm trạng sẽ biến mất sau khi bệnh được điều trị.

Thuốc men cũng có thể là nguyên nhân trầm cảm

Đôi khi, các triệu chứng trầm cảm hoặc hưng cảm là tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như steroid hoặc thuốc huyết áp.

Bảng 1 liệt kê các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến tâm trạng. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ những điều sau:

  • Các nhà nghiên cứu không đồng ý về việc liệu một vài loại thuốc này – chẳng hạn như thuốc ngừa thai hoặc propranolol – ảnh hưởng đến tâm trạng đủ để trở thành một yếu tố quan trọng.
  • Một số loại thuốc gây ra các triệu chứng như tâm trạng bất ổn hoặc mất cảm giác ngon miệng có thể bị nhầm lẫn với trầm cảm.
  • Ngay cả khi bạn đang dùng một trong những loại thuốc này, trầm cảm của bạn có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác.
Bảng 1: Các loại thuốc có thể gây trầm cảm
Kháng sinh, thuốc chống nấm và thuốc kháng vi-rút
acyclovir (Zovirax); alpha-interferon; cycloserine (Seromycin); ethambutol (Myambutol); levofloxacin (Levaquin); metronidazole (Flagyl); streptomycin;sulfonamides (AVC, Sultrin, Trysul); tetracycline
Thuốc trị tim và huyết áp
Thuốc chẹn beta như propranolol (Inderal), metoprolol (Lopressor, Toprol XL), atenolol (Tenormin); thuốc chẹn kênh canxi như verapamil (Calan, Isoptin, Verelan) và nifedipine (Adalat CC, Procardia XL); digoxin (Digitek, Lanoxicaps, Lanoxin);disopyramide (Norpace); methyldopa (Aldomet)
Hormones
Danazol (Danocrine); glucocorticoid như prednisone và hormon adrenocorticotropic; estrogens (ví dụ, Premarin, Prempro); thuốc tránh thai
Thuốc an thần, thuốc giảm đau
Các thuốc an thần như phenobarbital (Solfoton) và secobarbital (Seconal);benzodiazepin như diazepam (Valium) và clonazepam (Klonopin)
Khác
acetazolamide (Diamox); thuốc kháng acid như cimetidin (Tagamet) và ranitidine (Zantac); thuốc chống co giật; baclofen (Lioresal); thuốc ung thư như asparaginase (Elspar); cyclosporin (Neoral, Sandimmune); disulfiram (Antabuse); isotretinoin (Accutane); levodopa hoặc L-dopa (Larodopa); metoclopramide (Octamide, Reglan);thuốc giảm đau gây ngủ (ví dụ, codeine, Percodan, Demerol, morphine); rút cocain hoặc amphetamine

 

Tổng hợp các ý chính trong bài viết Nguyên nhân trầm cảm phức tạp hơn những gì chúng ta tưởng.

Thuốc men cũng có thể là nguyên nhân trầm cảm 1

Cần biết những dấu hiệu trầm cảm ở phụ nữ

Rất nhiều phụ nữ và thậm chí là cả những người xung quanh họ không hề biết rằng họ đang bị trầm cảm, bởi những dấu hiệu xảy ra dường như chỉ là sự mệt mỏi thường thấy. Đừng thờ ơ với sức khỏe của bản thân mình, bạn cần biết những dấu hiệu trầm cảm ở phụ nữ.

Xem chi tiết

Viết bình luận

Đặt hàng ngay

1
Xin chào! Vững Trí có thể giúp gì cho bạn không?