Với tôi, trầm cảm là một trải nghiệm

Bài viết dưới đây sẽ là những chia sẻ quý báu để giúp những người đang trong giai đoạn vật lộn của chính mình có thể tìm được sự đồng cảm và động viên kịp thời. Chúng tôi hy vọng bài viết sẽ giúp ai đó bớt cô đơn, bớt đau đớn hơn trong hành trình của mình.

Với tôi, trầm cảm là một trải nghiệm 1

Những dấu hiệu trầm cảm sớm

Trước khi thực sự rơi vào cái hố sâu của cảm xúc mang tên “trầm cảm”, mình có thể nói là một cô bé khá tự lập, bản lĩnh, vui vẻ và có thể làm người khác vui lây. Rồi những đổ vỡ và vướng mắc liên tiếp kéo đến trong cuộc sống, mình đã leo dần trong thang đánh giá mức độ trầm cảm: từ những tháng ngày liên tục “tâm trạng” đến những “biến dạng trong suy nghĩ” và cuối cùng là mức muốn “chấm dứt mọi thứ”.

Trong những tháng ngày đó, thực sự mình đã không thiết ăn thiết uống, thậm chí là không muốn thở nữa. Giấc ngủ cũng chẳng tròn nhưng nhiều lúc mình lại không muốn thức dậy, vì ngày mai có gì tốt đẹp đâu. Stress tích tụ và lấy đi cả sự tập trung, trí nhớ và khả năng giao tiếp cơ bản của mình nữa. Đừng nói là tiếng nước ngoài gì đó, những ngày ấy, dù những tin nhắn đơn giản bằng tiếng mẹ đẻ mình đọc còn không hiểu, hay đến cả những số có 2 chữ số mà vừa nói được 2 phút mình đã quên mất tiêu.

Càng lúc mình càng tự xoáy sâu vào những suy nghĩ về việc bản thân vô dụng và không có ý nghĩa như thế nào, đã từng nghĩ mình là “đứa hao cơm tốn chỗ”, chẳng xứng đáng sống  trên cuộc đời này. Kiểu như vậy đấy. Bất kể việc gì qua cái nhìn của mình cũng trở nên tiêu cực, tăm tối, ảm đạm và chẳng có tương lai.

Với tôi, trầm cảm là một trải nghiệm 2

Nói chuyện với mọi người xung quanh

Trước khi rơi vào trầm cảm thực sự, mình vốn không có thói quen chia sẻ cảm xúc với mọi người. Những khi buồn, mình thường hay tự xử như kiểu ngồi vào góc phòng, viết đôi ba dòng nhật kí, đi xem phim, đi dạo blah blah để khuây khỏa rồi quên đi. Mình chỉ kể chuyện buồn với người khác khi mình đã vượt qua được chuyện đó rồi. Có lẽ chính vì vậy, mà lúc mình phải chia sẻ để tìm đường đi cho bản thân mình, mình lại không biết cách chia sẻ như thế nào cho phải. Thành ra khi đó gặp ai mình cũng kể khổ này nọ, dù là chả thân thiết gì cho cam. Kết cục là càng lúc càng thấy trống rỗng và vô vọng.

Lúc chia sẻ với những người thân thiết, mình cũng nhận được nhiều lời an ủi động viên thật lòng. Chỉ là tại thời điểm đó mình quá tiêu cực, cộng thêm bướng bỉnh và cố chấp nên hoàn toàn không đón nhận những lời động viên đó. Ví dụ như khi được khuyên là: “Những điều mình trải qua chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống, còn rất nhiều điều khác để sống”. Thế là mình lại nghĩ “Trời ơi, có một việc nhỏ vậy mà lo cũng không xong, vậy còn những thứ khác xoay sở làm sao nổi”. Nghĩ vậy càng thêm phần “anxious”, căng thẳng hơn.

Rồi thì rất nhiều lời động viên như kiểu “mọi chuyện không đến mức đó đâu”, “tớ đã từng trải qua những chuyện còn kinh khủng hơn”, thậm chí là cứng rắn kiểu “sao những người khác còn khó khăn hơn mà họ vượt qua được, cậu có nhiêu đó cũng không làm nổi”… Nói chung là nhiều lắm. Mình lại chỉ nghĩ chỉ là do bản thân quá yếu đuối mà không đương đầu được. Những người mình chia sẻ với, những người họ dẫn chứng, là vì họ quá mạnh mẽ để có thể hiểu được sự tuyệt vọng của những kẻ yếu đuối như mình. Và suy nghĩ ấy của mình càng đẩy mình ra xa thế giới hơn. Mình cũng cảm giác được rằng hình như mọi người đã quá mệt mỏi và bất lực với mình rồi. Thậm chí nhiều lúc mình thấy xót xa vì người thân phải lén đi theo những lúc mình đi dạo vì sợ mình làm gì dại dột.

Tự đọc nghiên cứu về trầm cảm, đọc sách

Mình cũng vu vơ tra mạng thử làm cách nào để thoát khỏi trầm cảm. Đến giờ không nhớ hết đã thử cách nào nhưng về cơ bản là thất bại. Trừ việc tự đọc các nghiên cứu và sách về trầm cảm cũng có tí tí giúp mình hiểu hơn về tình trạng của bản thân và cũng là có thứ để chú tâm vào nghiên cứu. Chỉ là vì mình quá tiêu cực, nên những thứ mình đọc và tiếp nhận, mình tiếp tục phán đoán theo hướng tiêu cực.

Ví dụ như mình đọc cuốn “Sống như người Nhật” của một bà tác giả người Nhật đã trải qua trầm cảm và trở thành bác sĩ có nhiều kinh nghiệm về điều trị tâm lý. Sách viết nhiều thứ lắm, nhưng thứ đọng lại trong đầu mình lúc ấy chỉ là câu tóm lược về phong cách điều trị bà tác giả: không vỗ về hay xoa dịu nỗi đau về tâm lý cho bệnh nhân mà làm cho họ tỉnh ngộ để nhận thức, sau cùng phải chính là họ là người tự cứu lấy mình. Tóm lại là hồi ấy mình đã cắt nghĩa tư tưởng của cuốn sách như vậy và hiểu về điều trị trầm cảm như thế. Rồi càng thấy hoang mang, không lối thoát hơn.

Đến cả đọc mấy cái nghiên cứu thống kê gì đó trên mạng cũng chỉ đọng lại những điều tiêu cực như kiểu “xx% những người bị trầm cảm thì yy% khả năng sẽ tiếp tục bị trầm cảm lại lần nữa” (đại loại xx và yy cũng gần 100 lắm). Lại thêm hoang mang tập thứ n.

úm lại thì kết thúc đoạn tự loay hoay tìm cách thoát khỏi stress quá mức, mình đã chính thức tự làm hoang mang bản thân và trở nên trầm cảm tới độ sáng dậy cũng thở dốc không ngừng nổi. Đấy là lúc mình tìm đến với bác sĩ…

Tuyệt vọng và tìm đến bác sĩ

Tuyệt vọng và tìm đến bác sĩ 1

Khi mình chia sẻ đến đoạn này, thực sự hi vọng rằng nếu bạn sẽ không đến mức phải tìm đến bác sĩ hoặc nếu có thì sẽ tìm được một bác sĩ điều trị phù hợp. Trường hợp của mình, nếu có thể quay lại, mình sẽ tìm đến những liệu pháp khác. Nói vậy, chắc bạn cũng hình dung được việc điều trị với bác sĩ của mình đã không phải là một trải nghiệm vui vẻ gì.

Thời gian đó, vì mình cảm thấy quá thất bại trong việc hồi phục lại tâm trí, cảm thấy vô phương cứu chữa thì được bạn giới thiệu cho một bác sĩ khoa thần kinh, nghe nói có kinh nghiệm điều trị trầm cảm ở một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Mình cảm thấy như chết đuối vớ được cọc.

Vì không yên tâm về tình trạng của mình nên em ruột mình đưa mình đến khám. Bác sĩ sau khi hỏi han về tình trạng và mấy câu trắc nghiệm qua loa thì nhìn sắc mặt, thần thái của mình đã đưa ra quyết định nhanh chóng là mình ở mức độ trầm cảm tương đối nặng. Còn bonus thêm là liệu người đưa mình đi khám có phải em ruột mình không hay là giấu bệnh nhờ người ngoài đưa đi khám nữa. Mình cũng không quan tâm lắm, vì mình thực sự chỉ mong được “khỏi bệnh”. Sau đó, bác sĩ kê đơn và mình đi mua thuốc theo chỉ định.

Về nhà với cả đống thuốc, mình vẫn còn hoang mang và bắt đầu đọc chỉ dẫn trong thuốc, kèm theo một chút tra cứu trên mạng. Thực sự đến giờ không còn nhớ được hết những thuốc mình đã uống ngoài antidepressant. Tóm lại thì những thứ mình uống mục đích là kích thích não tiết ra những chất khiến thần kinh hưng phấn và nhờ đó bớt cảm giác tiêu cực và muốn tự tử đi. Một điều nữa là tác dụng phụ của thuốc không mấy vui vẻ: gây cảm giác chán ăn, rối loạn thị giác… và nếu dùng quá liều có thể dẫn đến hôn mê, rối loạn nhịp tim…

Mình cũng có đề cập lo ngại về liều dùng của thuốc với bác sĩ. Vì thể trạng của mình vốn ko phải quá khỏe mạnh, lại sau một thời gian ăn uống kém, cơ thể suy nhược, mình không chắc có thể chịu được liều thuốc như người bình thường. Nhưng bác sĩ khuyên là nên thử thuốc 1-2 tuần xem tình trạng như thế nào rồi điều chỉnh sau. Mình vâng lời.

Và quả thực thì ngay ngày đầu tiên, mình đã bị shock thuốc. Thực sự trong cả quá trình trầm cảm, đêm ấy là lúc mình gần cái chết nhất, chính xác là muốn chết nhất. Đêm ấy, khi thuốc bắt đầu phát huy tác dụng, mình cảm giác rõ rệt những phản ứng hóa học trong đầu, có triệu chứng thở dốc, buồn nôn và cực kì khó chịu. Khó chịu đến quằn quại và có khao khát chết đi hơn bao giờ hết. Mình cảm giác có một tiếng nói thôi thúc mình hãy chấm dứt tất cả mọi thứ đi. Mình đã gào thét gọi mẹ trong đầu và muốn bấu víu vào một cái gì đó để muốn sống tiếp, để đấu tranh với tiếng nói kia. Và cứ vật lộn như thế cho đến gần sáng thì có vẻ như thuốc tạm hết tác dụng, cơn bão tạm qua đi.

Sau 1 tuần thuốc, mình vẫn còn cảm nhận rõ những phản ứng hóa học trong đầu, dù không sốc như đêm đầu nữa, nhưng vẫn là một thời gian khá tệ. Một ngày chỉ ăn 1 bát cơm, rồi uống đủ thứ linh tinh và… thuốc. Tuần thuốc thứ 2 và mình vẫn dật dờ như một bóng ma. Cơ thể ngày càng suy nhược, vừa là do tác dụng phụ của thuốc, vừa là do tâm lý mà không chịu ăn. Và cuối cùng bác sĩ đã đồng ý cho mình uống giảm liều.

Dù cảm thấy uống thuốc như một cách hủy hoại bản thân, nhưng mình có niềm tin rằng là uống hết liều 3 tháng ấy mình sẽ muốn sống tiếp. Nhiều lúc cũng sợ thuốc mà muốn bỏ giữa chừng chớ, mà sợ bỏ ngang có phản ứng gì quái dị thì sao. Rồi thì bác sĩ “dọa” là nếu hết thuốc mà không khả quan hơn, thì sẽ phải nhập viện để điều trị thêm. Mình đã rất nỗ lực để uống thuốc và tin tưởng rằng sẽ bình thường lại thôi.

Nói chung là cả quá trình điều trị với bác sĩ chỉ đến đây thôi. Mình uống hết 3 tháng thuốc và cảm thấy sợ thuốc hơn cả sợ trầm cảm, nên cố gắng cố gắng như một người bình thường để không phải uống thuốc nữa, và xin dừng điều trị. Có thể nói quyết định đến với bác sĩ đã từng là một tia sáng le lói cứu giúp mình, vì thời điểm đó không nghĩ ra được cách nào khác. Chỉ là nếu biết đến những cách khác bên dưới.

Những dấu hiệu phục hồi đầu tiên

Những dấu hiệu phục hồi đầu tiên 1

Sau đợt điều trị bằng thuốc, mình có vẻ dần dần hồi phục lại về tinh thần, và có những ngày vui vẻ trở lại. Những tưởng đã đâu vào đó, ai dè trong vòng hơn nửa năm sau đấy, mình lại lăn vào hai đợt khủng hoảng nữa, vừa lê lết ra được “vũng lầy tâm lý” này thì lại ngã xuống “vũng lầy” khác, sâu hơn. Vẫn khóc lóc mỗi ngày và loay hoay không biết sống như thế nào tiếp. Có vũng lầy khiến mình lún sâu ơi là sâu vào cái cảm giác là mình vô giá trị với thế giới này hơn. Được cái là dù chưa thoát ra khỏi trạng thái tinh thần đầy tiêu cực, mình đã vơi đi cái cảm giác muốn tự tử.

Một trong những lý do mà mình có thể vơi đi cảm giác muốn kết thúc là nhờ nói chuyện với một người bạn đã từng trải qua trầm cảm. Thời gian bạn ấy bị trầm cảm, mình đã không nghĩ một thứ bệnh tâm lý có thể nghiêm trọng đến mức nào cho đến khi chính mình cũng mắc phải. Đôi lúc cũng cảm thấy như bị “trừng phạt” vì đã xem nhẹ nó. Quay lại cô bạn mình, sau chừng 2 năm vật lộn và thay đổi môi trường, thì cũng đến với những môi trường tích cực và hồi phục tinh thần, và luôn dang tay ra trò chuyện với mình những lúc tâm trạng xuống dốc nhất.

Điều an ủi và trở thành niềm tin để mình tiếp tục đó là: (1) ở đâu đó ngoài kia có rất nhiều người như mình, đã xuống cái dốc rất sâu của tuyệt vọng, chơi vơi và chìm trong tiêu cực, để có thể đứng vững hơn, cần cho bản thân thời gian để học cách tự chữa lành, càng loay hoay muốn thoát ra ngay-lập-tức thì càng lún sâu hơn,cho dù có thể đứng lên và đi tiếp thì luôn xác định là phía trước còn vô vàn bùn lầy và có thể có những “hố sâu” hơn nữa, chúng nó không bao giờ hết.

Bước đầu đến với THIỀN

Bước đầu đến với THIỀN 1

Mặc dù có được khuyến nghị nên thử học thiền, nhưng mình cảm giác nó là một bộ môn khó nhằn và không có ý định bắt đầu. Cho đến một bữa, sếp mình “bắt” cả cơ quan đọc cuốn “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ờ thì mình cũng chỉ đọc theo lệnh thôi, ai dè đọc vèo cái hết cả 2 cuốn nhanh gọn. Thực sự thì sách viết cực kì dễ hiểu và lôi cuốn với mình. Đấy là lần đầu tiên mình thấy thiền thực ra không hề triết lý cao siêu như mình tưởng tượng. Ai cũng có thể bắt đầu thiền, ở đâu, lúc nào cũng có thể thiền, lúc ăn uống, đi đứng, làm việc… Cuốn sách như cuốn cẩm nang hướng dẫn những người hoàn-toàn-mù-tịt-về-thiền có hứng thú để bắt đầu.

Ngoài việc đọc sách, mình có môi trường để thực hành luôn thiền, vì sếp mình mê bộ môn này mà lị. Nhờ thế mà dần dần có đà để rèn luyện hơn. Sếp còn hay “gieo rắc” niềm tin vào đầu là thiền giúp cải thiện sự tập trung và trí nhớ nhiều lắm đó. Thế là càng có động lực áp dụng hơn. Và thực tế là những tháng đầu tiên tập thiền, mình ngủ ngon hơn, cảm thấy đầu óc thông suốt và tập trung hơn. Như ở trên có đề cập, mình đã gần như mất khả năng đọc hiểu tiếng Việt suốt một thời gian. Nhờ tập thiền, mình đã có thể đọc lại tiếng mẹ đẻ và cải thiện dần tốc độ đọc.

Sau một thời gian nghỉ việc và không còn ở môi trường ý nữa, mình cũng không tự giác để thiền cho lắm, dù biết tác dụng của nó. Cho đến một ngày giữa đợt dịch Covid, lại tìm thấy được cảm hứng nhờ một bạn Vlogger mà tiếp tục thực hành lại thông qua một ứng dụng coaching thiền trên điện thoại tên là Balance (bạn Vlogger giới thiệu khá nhiều apps nhưng mình thấy ứng dụng này hợp mình nhất). Và những tháng đầu tiên trở về với thiền, như được về nhà với bản thân vậy. Được ngủ ngon, đầu óc thông suốt và tâm hồn được chữa lành. Thông qua thực hành trên ứng dụng điện thoại, mình học được khá nhiều kĩ thuật thở và cách suy nghĩ khá thú vị. Mặc dù bây giờ thực hành trên apps không quá thường xuyên nhưng đôi lúc cũng tự giác tập thở để đỡ thấy “anxious” hơn.

Túm lại, thì học này học nọ vẫn quan trọng nhất là học từ việc cơ bản nhất, ấy là… thở.

Vận động

Vận động 1

Một phương pháp khác mà mình nghĩ là có hiệu quả không kém, đó là vận động. Người ta nói rằng vận động giúp não tiết hormone Endorphins, Serotonin rất hữu hiệu trong việc chống trầm cảm. Chỉ có điều là những người trầm cảm thì thường không làm việc này, mà chỉ muốn ngồi một chỗ và suy nghĩ mông lung về cuộc đời thôi. Những ngày mình chìm trong tiêu cực cũng y vậy đó. Cảm thấy đã bế tắc thì chớ, khí huyết lại càng không được lưu thông gì hết. Cũng phải mất một quãng thời gian để mình có ý thức vận động tập luyện sức khỏe, khi ấy cảm thấy được cân bằng hơn khá nhiều. (Giờ lại lười rồi LOL)

Thay đổi cách nhìn

Nhìn lại cả một đoạn đường trải qua trầm cảm, mình thấy vốn là do cách nhìn nhận của bản thân mà mọi thứ trở nên tiêu cực như vậy. Sự việc trước khi xảy ra trầm cảm và cả sau này nữa, có thể đã và sẽ khó khăn hơn nhiều. Nhưng vì mình đã và sẽ cố gắng nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực, sẽ bớt đi gánh nặng hay áp lực về tinh thần đáng kể.

Có lẽ đây là đoạn “nói dễ, làm khó” nhất. Những ngày đầu bị trầm cảm, mình cũng được khuyên hãy suy nghĩ và nói những điều tích cực đi. Nhưng những người thực sự bị trầm cảm mới hiểu rằng điều đó quằn quại như thế nào. Càng cố gắng tỏ ra vui vẻ bên ngoài bao nhiêu, bên trong càng đổ vỡ thêm bấy nhiêu.

Vận động 2

Túm lại thì…

Tóm tắt cái hành trình chữa lành của mình đến bây giờ thì những phương thuốc hữu hiệu đối với mình lần lượt là (1) được chia sẻ với những người từng trải qua trầm cảm, (2) thiền, (3) vận động, và (4) thay đổi cách suy nghĩ. Nếu bạn tra cứu thử thì còn vô vàn phương pháp khác cũng rất thú vị. Chẳng có một công thức chung cho tất cả những người trầm cảm và bạn sẽ trải nghiệm để tìm ra một “liệu trình” cho chính mình. Đến đây thì mình mới thực sự hiểu cái châm ngôn “phải tự đứng dậy và cứu lấy bản thân” của bà tác giả cuốn “Sống như người Nhật” ở trên. Hãy trở thành bác sĩ của chính mình, và tin rằng ngoài kia cũng còn vô số những người giống bạn, cũng loay hoay với bản thân và sẵn sàng dang tay chia sẻ với bạn trên hành trình “bùn lầy” này.

Sau tất cả, đối với mình trầm cảm không phải là một căn bệnh, mà là một “trải nghiệm”. Chính xác là một trải nghiệm đầy mạo hiểm nhưng cần có trong hành trình phát triển linh hồn của mình. Để khi trải qua rồi thấy bản thân trở nên co giãn hơn, biết mạnh mẽ hơn nhưng cũng biết mềm mỏng hơn. Đôi lúc mình cũng cảm thấy việc trải qua trầm cảm như được tiêm một liều vắc-xin vậy: nghĩa là có sức chiến đấu với bệnh tật trong lần tới. Đến bây giờ, chỉ đơn thuần là cảm thấy tự hào với bản thân là một người trầm cảm vẫn còn sống và muốn tiếp tục sống thật hạnh phúc. À từ sau khi trải qua trầm cảm, giọng nói của mình có thể chỉnh sang một tone khác, và có vẻ hay hơn giọng gốc ban đầu ^^

Đến giờ đọc những tin về những người tự tử về trầm cảm. Mình một nửa thấy tiếc thương vì đã không có ai “đến kịp lúc” trong hành trình ấy của họ, một nửa thì mong là họ có thể bình yên ở đâu đó. Dẫu sao thì kể cả tự tử cũng là một lựa chọn, và dù lựa chọn như vậy, linh hồn của họ cũng sẽ được chữa lành theo cách nào đó. Nếu là mình, gặp ai đó đứng ở trên bờ ban công và chuẩn bị buông tay ra, mình của bây giờ sẽ nói với bạn ấy rằng: “Đấy cũng là một lựa chọn. Nhưng có một lựa chọn khác như thế này, bạn nghĩ thử được không nhé: nếu như giờ bạn bỏ cuộc đời này đi, chi bằng cho tớ mượn, rồi mình cùng làm lại từ đầu, như một đứa trẻ…”

rong trường hợp của mình, phải vật lộn 2-3 năm gì đó từ ngày bắt đầu mới dần dà đưa được tiêu cực ra, rồi mở cửa tâm hồn và nói chuyện lại với thế giới bằng những vui vẻ thực sự từ bên trong, chứ không phải những câu cần nói để làm vui người khác. Dẫu vậy, vẫn luôn chấp nhận có những lúc vẫn loay hoay lật đi lật lại vấn đề mới đến được một hướng nhìn vui vẻ một chút. Dù sao thì, “practice makes perfect” nên là vẫn chập chững đi tiếp.

Có một câu mình nghe được trên hành trình chữa lành tâm hồn muốn chia sẻ lại nè: “Khi mà bạn không có thứ mà bạn muốn, nghĩa là thứ tốt đẹp hơn đang chờ đón bạn.” Đôi lúc là kết quả không như được như muốn, hay nhìn quanh chẳng bằng bạn bằng bè, nhưng bạn vẫn đi đúng hành trình của mình và có những niềm hạnh phúc khác vẫn đang chờ đón ở con đường phía trước.

Bản thân mình thì mới cho ra đời một cái nhìn như thế này: Mùa đông kiểu gì cũng đến thôi, mà đông thì có thôi lạnh bao giờ. Thế thì thay vì nằm dài chờ đông qua trong muộn phiền, chi bằng mua một chiếc áo thật ấm áp, ra ngoài chơi đùa với tuyết và tận hưởng những điều chỉ mùa đông mới có thôi.

Nguồn: Sưu Tầm

Viết bình luận

Đặt hàng ngay

1
Xin chào! Vững Trí có thể giúp gì cho bạn không?